Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện ATVS thực phẩm trên địa bàn huyện U Minh thời gian qua đạt kết quả khá tốt. Vấn đề an toàn thực phẩm trong các trường học, nhà máy xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2006 – 2011, trên địa bàn huyện xảy ra 5 ca ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm tự chế biến tại gia đình và không có trường hợp tử vong.
Hiện nay, huyện U Minh có số hộ dân được sử dụng nước sạch là 20.584 hộ, chiếm tỷ lệ 87%. Trong đó, có 4.474 hộ sử dụng nước máy và 16.110 hộ sử dụng nước giếng khoan. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, từ năm 2006 đến nay, huyện đã huy động hơn 4,5 tỷ đồng phục vụ cho việc xây dựng các công trình, dự án cung cấp nước sạch thuộc chương trình mục tiêu.
Mặc dù tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả khả quan so với thời gian trước khi triển khai chương trình, tuy nhiên, huyện U Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhất là đối với các địa phương vùng sâu. Tình trạng khai thác giếng nước nhỏ lẻ còn tràn lan, gây khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng nước. Các giếng khoan bị hư hỏng hoặc không sử dụng, không được trám lắp, lâu ngày xảy ra hiện tượng thẩm thấu, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Các công trình cấp nước cụm dân cư nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước đạt quy chuẩn số 02/BYT, nên nước sinh hoạt nông thôn chưa qua xử lý vi sinh, lý, hóa.
Kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hương thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của huyện trong thời gian qua về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nước sạch vệ sinh môi trường. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành của huyện trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác này hơn nữa, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội trong thời gian tới.
Thanh Mộng